Translate

Hot Line

Ms Lan +84.94362.7667 Ms Thảo +84.94462.7667

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

TÌM HIỂU VỀ TẾT NGUYÊN ĐÁN VÀ NHỮNG PHONG TUC NGÀY TẾT

Tết Nguyên đán (Tết Cả) là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống Việt Nam từ hàng ngàn đời nay. Tết Nguyên đán Việt Nam từ buổi "khai thiên lập địa" đã tiềm tàng những giá trị nhân văn... Tết còn là dịp để mọi người Việt Nam tưởng nhớ, tri âm tổ tiên, nguồn cội… Ngày Tết, dân tộc ta có nhiều phong tục hay như khai bút, khai canh, hái lộc, chúc Tết, du xuân, mừng thọ….Từ già đến trẻ ai cũng biết, ngày tết trong nhà ít nhất cũng phải có cành hoa, bánh chưng, chai rượu…

Tết Nguyên Đán có từ bao giờ?

Nguồn gốc Tết Nguyên Đán, hay nói ngắn hơn là Tết có từ đời Ngũ Đế, Tam Vương. Đời Tam Vương, nhà Hạ, chuộng mầu đen, nên chọn tháng đầu năm, tức tháng Giêng, nhằm tháng Dần. Nhà Thương, thích màu trắng, lấy tháng Sửu (con trâu), tháng chạp làm tháng đầu năm. Qua nhà Chu (1050-256 trước công nguyên), ưa sắc đỏ, chọn tháng Tý (con chuột), tháng mười một làm tháng Tết. Các vua chúa nói trên, theo ngày giờ, lúc mới tạo thiên lập địa: nghĩa là giờ Tý thì có trời, giờ Sửu thì có đất, giờ Dần sinh loài người mà đặt ra ngày tết khác nhau. Đến đời Đông Chu, Khổng Phu Tử ra đời, đổi ngày tết vào một tháng nhất định: tháng Dần. Mãi đến đời Tần (thế kỷ III trước Công nguyên), Tần Thủy Hoàng lại đổi qua tháng Hợi (con lợn), tức tháng Mười. Cho đến khi nhà Hán trị vì, Hán Vũ Đế (140 trước Công nguyên) lại đặt ngày Tết vào tháng Dần (tức tháng Giêng) như đời nhà Hạ, và từ đó về sau, trải qua bao nhiêu thời đại, không còn nhà vua nào thay đổi về tháng Tết nữa.
Đến đời Đông Phương Sóc, ông cho rằng ngày tạo thiên lập địa có thêm giống Gà, ngày thứ hai có thêm Chó, ngày thứ ba có Lợn, ngày thứ tư sinh Dê, ngày thứ năm sinh Trâu, ngày thứ sáu sinh Ngựa, ngày thứ bảy sinh loài Người và ngày thứ tám mới sinh ra ngũ cốc. Vì thế, ngày Tết thường được kể từ ngày mồng Một cho đến hết ngày mồng Bảy tháng Giêng. Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, chúng ta đã trải qua thời kỳ hơn 1000 năm phong kiến phương Bắc đô hộ nên một số phong tục của chúng ta có ảnh hưởng từ phương Bắc, trong đó có Tết Nguyên Đán đó cũng là điều dễ hiểu, tuy nhiên nó đã được Việt hóa để gần gũi hơn với đời sống văn hóa tinh thần của người Việt.

Những phong tục trong ngày Tết Nguyên Đán của Người Việt: 
Ngày Tết, dân tộc ta có nhiều phong tục hay, đáng được gọi là thuần phong như khai bút, khai canh, hái lộc, chúc tết, du xuân, mừng thọ...
*Tống cựu nghênh tân:
Cuối năm quét dọn sạch sẽ nhà cửa, sân ngõ, vứt bỏ những thứ rác rưởi, cùng làng xóm dọn dẹp nhà thờ, đình chùa, đường sá phong quang, tắm giặt, cắt tóc, may sắm quần áo mới, trang trí bàn thờ, lau chùi bàn ghế ấm chén và mọi thứ thức ăn vật dụng.
Nhiều gia đình nhắc nhở, dặn dò con cháu từ phút giao thừa trở đi không quấy khóc, không nghịch ngợm, cãi cọ nhau, không nói tục chửi bậy, không vứt rác viết vẽ bừa bãi. Cha mẹ, anh chị cũng không quở mắng, tra phạt con em, đối với ai cũng tay bắt mặt mừng, vui vẻ niềm nở dầu lạ dầu quen.
Đối với bà con xóm giềng dù trong năm cũ có điều gì không hay không phải, điều nặng tiếng nhẹ hay xích mích gì đều xúy xoá hết. Dầu có thực lòng hay không nhưng không để bụng, cũng không ai nói khích bác hoặc bóng gió, ác ý gì trong những ngày đầu năm. Dẫu mới gặp nhau ít phút trước, nhưng sau phút giao thừa coi như mới gặp, người ta chúc nhau những điều tốt lành.
* Hái lộc, xông nhà, chúc tết, mừng tuổi:
Ai cũng hy vọng một năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, mạnh khỏe tiến bộ, thành đạt hơn năm cũ. Lộc tự nhiên đến, đi hái lộc (chỉ là một cành non ở đình chùa, ở chốn tôn nghiêm mang về nhà), tự mình xông nhà hoặc dặn trước người "Nhẹ vía" mà mình thích đến xông nhà. Bạn nào vinh dự được người khác mời đến xông thì nên chú ý, chớ có sai hẹn sẽ xúi quẩy cả năm đối với gia đình người ta và cả đối với bạn.
Sau giao thừa có tục mừng tuổi chúc Tết, trước hết con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Ông bà cha mẹ cùng chuẩn bị một ít tiền để mừng tuổi cho con cháu trong nhà và con cháu hàng xóm láng giềng, bạn bè thân thích. Lời chúc có ca có kệ hẳn hoi nhưng xem người ta thích nhất điều gì thì chúc điều đó, chúc sức khoẻ là phổ biến nhất. Chú ý tránh phạm tên huý gia tiên, tránh nhắc tới lỗi lầm sai phạm cũ, xưng hô hợp với lứa tuổi và quan hệ thân thuộc. 
Chúc Tết những người trong năm cũ gặp rủi ro tai hoạ thì động viên nhau "Của đi thay người", "Tai qua nạn khỏi", nghĩa là ngay trong cái hoạ cũng tìm thấy cái phúc, hướng về sự tốt lành, kể cả đối với người phạm tội vẫn với thái độ nhẹ nhàng, khoan dung. Nhưng, nhìn chung trong những ngày đầu năm, người ta kiêng không nói tới điều rủi ro hoặc xấu xa.
Quanh năm làm ăn vất vả, ít có điều kiện qua lại thăm hỏi nhau, nhân ngày Tết đến chúc mừng nhau, gắn bó tình cảm thật là đặm đà ý vị; hoặc điếu thuốc miếng trầu, hoặc chén trà ly rượu…Nhiều vùng nông thôn, hễ đến chúc Tết nhau nhất thiết phải nâng ly rượu, nếm vài món thức ăn gì đó chủ mời vui lòng, năm mới từ chối sợ bị giông cả năm.
* Quà Tết, lễ Tết:
Bình thường qua lại hỏi thăm nhau có khi cũng có quà, biểu lộ mối ân tình, nhưng phong tục ta đi lễ Tết vẫn có ý nghĩa hơn, nhất là đi trước Tết càng quý. Việc biếu quà Tết, tỏ ân nghĩa tình cảm là điều đáng quý. Học trò tết thầy giáo, bệnh nhân tết thầy thuốc, con rể tết bố mẹ vợ... quà biếu, quà Tết  đó không đánh giá theo giá thị trường. Nhưng cũng đừng nên gò bó, câu nệ sẽ hạn chế tình cảm: Không có quà, ngại không dám đến. Dân tộc ta tuy nghèo nhưng vẫn trọng nghĩa tình, "Lời chào cao hơn mâm cỗ".
* Lễ mừng thọ: 
Ở các nước Tây Âu thường mừng thọ vào dịp kỷ niệm ngày sinh, ở ta ngày xưa ít ai nhớ chính xác ngày sinh tháng đẻ nên vào dịp đầu xuân thường tổ chức mừng thọ lục tuần, thất tuần, cửu tuần... tính theo tuổi mụ. Ngày tết ngày Xuân cũng là dịp mọi người đang rảnh rỗi, con cháu tụ tập đông vui, chúc thọ ông bà, cha mẹ.
* Tục kiêng hót rác đổ đi trong ba ngày Tết:
Tục kiêng hót rác ba ngày Tết nên ngày 30, dầu bận rộn đến đâu cũng phải dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ và những ngày Tết thì mọi người phải hết sức giữ gìn nhà cửa không vứt rác bừa bãi.
*Khai bút, khai nghề:
Vào dịp đầu xuân, người có chức tước khai ấn, học trò sĩ phu khai bút, nhà nông khai canh, thợ thủ công khai công, người buôn bán mở hàng lấy ngày: Sĩ, Nông, Công, thương "Tứ dân bách nghệ" của dân tộc ta vốn cần cù, ai cũng muốn năm mới vận hội hành thôn làm ăn suôn sẻ, đầu xuân chọn ngày tốt đẹp, bắt tay lao động sớm, tránh tình trạng cờ bạc, rượu chè, hội hè đình đám, vui chơi quá đà. Sau ngày mồng một, dù có mãi vui tết, hoặc còn kế hoạch du xuân, đón khách, cũng chọn ngày "Khai nghề",   "Làm lấy ngày". Nếu như mồng một là ngày tốt thì chiều mồng một đã bắt đầu. Riêng khai bút thì giao thừa xong, chọn giờ hoàng đạo bắt đầu không kể mồng một là ngày tốt hay xấu. Người  thợ thủ công nếu chưa ai thuê mướn đầu năm thì cũng tự làm cho gia đình mình một sản phẩm, dụng vụ gì đó (nguyên vật liệu đã chuẩn bị sẵn). Người buôn bán, vì ai cũng chọn ngày tốt nên phiên chợ đầu xuân vẫn đông, mặc dầu người bán chỉ bán lấy lệ, người đi chợ phần lớn là đi chơi xuân.
Tóm lại, ngày Tết là ngày tiêu biểu cho truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Phát huy thuần phong mỹ tục đó, từ gia đình ra xã hội, ai ai cũng đối xử với nhau trên thuận dưới hoà, kính giá yêu trẻ... thì đất nước quê hương sẽ tươi đẹp, giàu mạnh, bộ máy pháp luật bớt đi bao nhiêu khó khăn.

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

HANG SƠN ĐOÒNG 1 TRONG 27 ĐỊA DANH NÊN TỚI MỘT LẦN TRONG ĐỜI

Hang Sơn Đoòng, Quảng Bình, Việt Nam: Nằm trong quần thể hang động Phong Nha - Kẻ Bàng, thuộc huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình, hang Sơn Đoòng là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới.
 Hang Sơn Đoòng được hình thành khoảng 2-5 triệu năm trước, khi nước sông chảy ngang qua vùng đá vôi đã bị vùi lấp dọc theo một đường đứt gãy. Dòng nước làm xói mòn và tạo ra một đường hầm khổng lồ trong lòng đất dưới dãy núi. Tại những nơi đá mềm, phần trần sụp xuống tạo thành những lỗ hổng, lâu ngày thành vòm hang khổng lồ.
Dãy núi đá vôi vùng biên giới Việt-Lào có nhiều hang động như động Phong Nha đã biết đến từ lâu nhưng hang Sơn Đoòng chỉ được khám phá vào năm 1991 khi Hồ Khanh, một người dân địa phương tình cờ tìm ra khi lánh vào cửa hang để tránh mưa. Bẵng một thời gian đến năm 2006 khi đoàn thám hiểm Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đến khu vực này thăm dò thì Hồ Khanh mới báo cho họ. Phải khó khăn lắm ông mới tìm lại được cửa hang vốn nằm sâu trong rừng già với địa hình khá hiểm trở, cách xa đường lớn và không thể phát hiện thấy trên Google Earth. Dưới sự hướng dẫn của ông, họ đã đi sâu vào hang, chụp ảnh, đo đạc và thu thập dữ kiện khoa học. Họ cũng đã dành vinh dự cho Hồ Khanh đặt tên hang này.
Ngày 22 tháng 4 năm 2009, phái đoàn Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh do Howard Limbirt dẫn đầu đã công bố việc phát hiện hang và cho rằng quy mô của hang Sơn Đoòng quả thực là lớn nhất thế giới.
Vào tháng 1 năm 2010, các nhà thám hiểm đã trở lại Sơn Đoòng để tìm hiểu thêm về hệ thống hang động này.
Mới đây, trang Buzzfeed đã công bố top 27 địa danh bạn nên tới một lần trước khi... qua đời. Danh sách này dựa theo kết quả bình chọn của độc giả trên trang web hỏi đáp Quora. Và Hang Sơn Đoòng, hang động tự nhiên lớn nhất thế giới nằm trong quần thể hang động Phong Nha – Kẻ Bàng, thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình được các độc giả yêu thích và bình chọn. Hình ảnh ấn tượng của 27 nơi không đến thì “phí một đời người”.

Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

ĐỊA ĐẠO CỦ CHI LÀ 1 TRONG 12 ĐIỂM DU LỊCH NGẦM HẤP DẪN NHẤT THẾ GIỚI

Theo tờ CNN, hệ thống phòng thủ trong lòng đất ở huyện Củ Chi đã lọt vào danh sách 12 điểm du lịch ngầm hấp dẫn nhất thế giới
Địa đạo Củ Chi là một hệ thống phòng thủ trong lòng đất ở huyện Củ Chi, cách Thành phố Hồ Chí Minh 70 km về hướng tây-bắc. Hệ thống này được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đào trong thời kỳ Chiến tranh Đông Dương và Chiến tranh Việt Nam.
Kỳ tích dưới lòng  đất
Hệ thống địa đạo bao gồm bệnh xá, nhiều phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc, hệ thống đường ngầm dưới lòng đất. Hệ thống địa đạo dài khoảng 200 km và có các hệ thống thông hơi vào các vị trí các bụi cây. Địa đạo Củ Chi được xây dựng trên vùng đất được mệnh danh là "đất thép", nằm ở điểm cuối Đường mòn Hồ Chí Minh. Trong Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã sử dụng hệ thống địa đạo này để tấn công vào Sài Gòn.
Một khách du lịch nói với tờ CNN: "Hệ thống đường hầm kéo dài 120km này là một phần của mạng lưới lớn hơn nhiều trong khắp cả nước và bây giờ nó được biết tới như một bảo tàng chiến tranh".
Chỉ cần chui xuống một đọan đường hầm, bạn sẽ hiểu vì sao Củ Chi, mảnh đất nghèo khó lại đương đầu ròng rã suốt 21 năm với một đạo quân hơn gấp bội, thiện chiến, được trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, tối tân. Dựa vào hệ thống đường hầm, công sự, chiến hào, chiến sĩ và đồng bào Củ Chi đã chiến đấu vô cùng anh dũng, lập nên những chiến công thần kỳ. Quân xâm lược Mỹ lần đầu vào đất Củ Chi gặp phải sức kháng cự quyết liệt từ các địa đạo trong vùng căn cứ hiểm yếu, đã phải thốt lên: “Làng ngầm”, “Mật khu nguy hiểm”, “Việt cộng không thấy đâu mà đâu đâu cũng có”….
Với tầm vóc chiến tranh của mình, địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ 20 và trở thành một địa danh nổi tiếng trên thế giới.
Các điểm du lịch ngầm khác được CNN bình chọn:
Bên cạnh địa đạo Củ Chi, tờ CNN cũng bình chọn 10 điểm du lịch ngầm khác rất hấp
1. Thị trấn dưới lòng đất Coober Pedy, Úc: Phần lớn trong số 3.000 người dân tại thị trấn của nam Úc này sống dưới lòng đất để tránh cái nóng như thiêu như đốt tại nơi đây. Vì thế, du khách có thể tới thăm nhà hàng, khách sạn, thậm chí là nhà thờ dưới lòng đất tại nơi đây.

2. Mỏ muối Wieliczka, Krakow, Ba Lan: Mỏ muối dưới lòng đất thuộc thành phố Krakow này được đưa vào khai thác suốt từ thế kỷ 13 cho tới tận năm 2007. Đến nay, chỉ có một đoạn đường hầm dài khoảng 3,5 km, chiếm chưa tới 2% toàn bộ chiều dài của mỏ muối được mở cửa để đón khách du lịch tới chiêm ngưỡng những bức tượng của các nhân vật lịch sử được chạm khắc tại đây.

3. Hầm mộ dưới lòng đất, Paris, Pháp: Hầm mộ Paris là một nghĩa địa dưới lòng đất chứa hài cốt của hơn 6 triệu người được chôn cất tại đây từ năm 1785 tới 1860. Những bộ xương và hộp sọ được xếp chồng lên nhau trên khắp các vách của đường hầm khiến ai cũng phải rùng mình sợ hãi. Thêm vào đó, đường hầm dài 180 dặm nằm ở độ sâu 20m dưới lòng đất cũng khiến du khách có cảm giác như mình đang lạc trong một mê cung.

4. Vùng ngầm Cappadocia, Thổ Nhĩ Kỳ: Nơi đây có mạng lưới các thành phố ngầm dưới lòng đất kết nối với nhau lên tới con số 200, có sức chứa tới hàng chục ngàn người và được cho là hình thành từ thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên. Những thành phố "ẩn" này trở thành điểm du lịch yêu thích của rất nhiều du khách.

5. Mary King's Close, Edinburgh, Scotland: Mary King từng là một khu mua sắm vô cùng sầm uất của Edinburgh cho tới năm 1965 khi bệnh dịch hạch hoành hành. Cái chết của hàng trăm người đã tạo nên những chuyện ma rùng rợn bao trùm lên khu phố. 250 năm sau khi bị đóng cửa, Mary King "trở lại" và trở thành một điểm du lịch tái hiện lại sống động cuộc sống của người dân Scotland ở thế kỷ 18.

6. Thành phố ngầm Seattle, Washington, Mỹ: Thành phố ngầm này được xây dựng sau vụ cháy lớn năm 1889. Tới nay, Seattle đã trở thành một điểm du lịch ngầm thu hút đông đảo khách du lịch tới tham quan và khám phá.

7. Đường hầm chống lũ ở Tokyo, Nhật Bản: Năm 1992, đường hầm chống lũ dài 6km và nằm sâu 50m dưới lòng đất đã được xây dựng, bao gồm cả máy bơm và bể chứa chuyên dụng để "cứu" Tokyo khỏi tình trạng ngập trong mưa lũ. Đường hầm "vĩ đại" này có tới 59 cột trụ khổng lồ và chứa tới 78 máy bơm mã lực. Các tour du lịch tại đây được mở liên tục 3 lần/ngày từ thứ 3 tới thứ 6, đương nhiên là trong điều kiện thời tiết cho phép.

8. Đường hầm Shanghai, Oregon, Mỹ: Địa đạo dưới lòng đất này là đoạn kết nối các tầng hầm của nhiều quán bar và khách sạn trong trung tâm thành phố Porland với khu vực ven sông Willamette. Nơi đây được sử dụng để vận chuyển hàng từ các tàu thuyền neo đậu tại sông Willamette từ những năm 1800 và tới nay trở thành điểm du lịch được nhiều người biết đến.
9. Hầm Greenbrier, Mỹ: Vào cuối những năm 1950, chính phủ Mỹ đã yêu cầu chủ sở hữu của khách sạn Greenbrier cho phép xây dựng một hầm trú ẩn khẩn cấp ngay dưới khách sạn này để làm trụ sở quốc hội trong trường hợp có chiến tranh hạt nhân xảy ra. Vì thế, tới đây, du khách sẽ có cơ hội xem nơi cất giữ 25 tấn thuốc nổ, khu ký túc xá, bệnh viện và các phòng khử nhiễm.
10. Moose Jaw, Canada: Hệ thống đường hầm tại thành phố Moose Jaw, Canada được xây dựng vào đầu những năm 1900 để bảo vệ các công nhân đường sắt người Trung Quốc khỏi sự phân biệt chủng tộc chống lại những người nhập cư châu Á "da vàng".
11. Thành phố của hang động, Nottingham, Anh: Có một điều khá kỳ lạ là cửa dẫn vào hệ thống mạng lưới những hang động dưới lòng đất tại Nottingham lại nằm trong trung tâm mua 

Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

Kinh nghiệm du lịch ở Phú Quốc

Phú Quốc được ví như đảo Ngọc với khu bảo tồn thiên nhiên hoang sơ và bãi biển sạch.  Phú Quốc có chiều dài hơn 50km, bề ngang rộng nhất 25km mang trên mình 99 ngọn núi trập trùng và xen kẽ là những bãi biển với cát trắng trải dài. Đó cũng là lý do từ xa, hòn đảo Phú Quốc nổi bật với màu xanh trùng điệp của núi rừng. Đặt chân lên bến cảng Phú Quốc, du khách ấn tượng bởi màu xanh biển và màu xanh núi rừng, nơi được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới như hút hồn những người yêu thiên nhiên.
1.      Thời tiết
Đảo Phú Quốc có khí hậu nhiệt đới gió mùa với hai mùa rõ rệt: mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10. Nhiệt độ trung bình năm vào khoảng 28 độ C, quanh năm mát mẻ nên bạn có thể yên tâm đến Phú Quốc vào bất cứ thời điểm nào trong năm.
2.      Những địa điểm tham quan
Dinh Cậu: đến Phú Quốc đầu tiên bao giờ cũng tham quan Dinh Cậu, người dân quan niệm đây giống như việc khai báo tạm trú vài ngày trên đảo. Là cảnh đẹp được tạo nên giữa ghềnh đá và biển, Dinh Cậu luôn thu hút được nhiều lượt khách đến thăm mỗi ngày.
Đông Đảo
Làng chài Hàm Ninh: vẫn giữ được nét riêng của làng chài ngày xưa, là nơi lý tưởng để ngắm bình minh hoặc hoàng hôn khi tới Phú Quốc. Ở đây cũng bán rất nhiều hải sản có thể thưởng thức hoặc mua về làm quà. Có thể đi bộ ra cầu cảng để thấy nước biển trong xanh, đặc biệt khi ra xa 1 chút có thể thấy cả hàng ngàn con cá cơm đang bơi nữa đó, rất thú vị!
Khu du lịch suối tranh: dòng suối được ví von như tranh vẽ nằm giữa 1 rừng cây cối xanh tươi, nước suối chảy róc rách qua những tản đá lớn tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp. - Cơ sở làm nước mắm Phú Quốc: Bạn sẽ khá bất ngờ với hệ thống nhà thùng đồ sộ, có thể trèo lên để quan sát.
Bắc đảo
Khu nuôi dưỡng chó xoáy Phú Quốc: cách trung  tâm 4,5km đường Dương Đông đi Bắc Đảo, đến đây chúng ta sẽ được tham quan đời sống hoang dã và những đặc tính thực sự của loài chó rất quý hiếm và nổi tiếng này.
Vườn tiêu: hồ tiêu Phú Quốc nổi tiếng cay nồng có vị thơm đậm hơn những loại tiêu trồng ở xứ khác. Những người dân lúc nào cũng thân thiện chào mời bạn tới thăm những vườn tiêu xanh mượt của họ.
Rừng quốc gia Phú Quốc: rất nhiều khám phá thú vị nếu tham gia chương trình đi bộ trong rừng để tận hưởng cái không khí mát rượi, nhìn ngắm được vô vàn thực vật phong phú ở khu vườn quốc gia này.
Đền thờ Nguyễn Trung Trực: Cách Dương Đông 25km hướng đi Gành Dầu, đền thờ được người dân Phú Quốc xây dựng nơi đây để tưởng nhớ tới ông - vị anh hùng của dân tộc.
- Mũi Gành Dầu, ngắm hải giới Cambodia: mũi đất nhô ra biển ở Tây Bắc đảo thu hút du khách bởi vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ và đặc trưng nhất. Từ đây có thể nhìn thấy được hải giới của Campuchia.
Nam đảo
Khu trưng bày ngọc trai Cội Nguồn, cơ sở nuôi cấy Ngọc Trai Việt Úc, Việt - Nhật: Phú Quốc được thiên nhiên ban tặng cho điều kiện thuận lợi để nuôi cấy ngọc trai, bạn sẽ phải sững sờ trước những viên ngọc trai óng ánh tuyệt đẹp khi đến tham quan. Nếu đi đúng dịp, bạn còn có thể xem quy trình lấy ngọc từ trai ở những nơi này.
Nhà tù Phú Quốc: di tích lịch sử này ghi lại dấu ấn lịch sử một thời của cha ông.
- Cảng An Thới: là một cảng biển quan trọng và sầm uất. Từ đây có thể tham gia các tour thú vị: lặn ngắm san hô, câu cá...
- Bãi Sao: nổi tiếng với cát mịn, biển trong vắt có thể nhìn thấy đáy. Đây quả thật là thiên đường của những người yêu biển, đến đây rồi chắc hẳn sẽ lưu luyến chẳng muốn về.
3.      Hoạt động vui chơi gì?
Ngoài những địa điểm tham quan thì có rất nhiều các tour ngắn khám phá Phú Quốc rất hấp dẫn mà chúng ta khó lòng bỏ qua:
- Câu cá: trải nghiệm cảm giác thú vị khi câu cá trên biển, bạn sẽ vô cùng thích thú với chiến lợi phẩm của mình được chế biến và thưởng thức ngay trên thuyền. 
Câu mực: đáp trả lòng kiên nhẫn của chúng ta khi ngồi chòng chành trên thuyền thả con tôm đầy màu sắc xuống biển và chờ đợi, sẽ là những chú mực tươi trong suốt nướng thơm phức trên vỉ than hồng, và ngọt lịm trong nồi cháo đang sôi...
 - Lặn ngắm sao hô: với hoạt động này bạn có thể tìm hiểu nét đẹp của rạng san hô được xếp vào hạng bậc nhất Việt Nam.
Khám phá rừng quốc gia: dành cho những người yêu thích du lịch sinh thái, mạo hiểm.
Nếu có nhiều thời gian hơn nữa, thì hãy khám phá những hòn đảo hoang sơ, mũi Ông Đội, Hòn Dăm, giếng Ngự...
4.      Mua sắm
Chợ đêm Dinh Cậu: được tổ chức trên đoạn đường khoảng 500m đi đến Mũi Dinh Cậu, hải sản tươi sống và đồ trang sức có nguồn gốc từ biển là 2 mặt hàng chính ở đây.
- Khu trưng Bày Cội Nguồn: có những gian hàng bán đồ trang sức làm từ ngọc trai, quà lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ đặc trưng của vùng hải đảo.
- Làng Chài Hàm Ninh: có các đặc sản như hải mã sống ngâm rượu, nấm tràm, rượu thuốc được ngâm từ quả dứa biển và trái mỏ quạ và ghẹ Hàm Ninh nổi tiếng chắc thịt mà bạn có thể mua về làm quà.
- Chợ An Thới: bán các loại hải sản khô như tôm khô, mực một nắng, khô cá thiều...
- Chợ Dương Đông: là chợ lớn nhất ở Phú Quốc, nằm gần Dinh Cậu, ở đây bán nhiều loại hải sản tươi sống vừa được đánh bắt từ biển về do các tàu đánh cá cung cấp, các loại khô biển, tôm khô, hồ tiêu và còi biên mai dạng khô, ngoài ra chợ còn tập trung bán các món đặc sản của Phú Quốc vào buổi sáng như: trứng sam, bún nhăm, bánh canh bột lọc, cháo chả cá, chả cá Phú Quốc. Đi chợ Dương Đông mà không thưởng thức bánh tét mật cật sẽ là 1 thiếu sót.
- Các cơ sở trưng bày Ngọc Trai: phòng trưng bày Cội Nguồn, phòng trưng bày Ngọc Trai Ngọc Hiền, phòng trưng bày và cơ sở nuôi cấy Ngọc Trai Việt - Úc, cơ sở nuôi cấy Ngọc Trai  Việt - Nhật, bạn nên mua ngọc trai ở các cửa hàng trưng bày ở đường Dương Tơ, đó là những sản phẩm được nuôi cấy tại chỗ và giá cả cũng hợp lý.
5.      Đặc sản
Một số đặc sản gắn liền với hòn đảo này:
-          Nước mắm Phú Quốc, Rượu Sim, Rượu mỏ quạ, Gà đi bộ, Gỏi cá trích, Ghẹ - Hàm Ninh, Cơm ghẹ, Cá khô Thiều, Hải Sâm, Nhum (ăn sống với mù tạt, nướng và hấp),
-          Còi biên mai (Chính là 2 lớp cơ thịt nối liền hai mảnh con sò, còi được chế biến thành các món như: nướng, xào, lẩu...),
-          Bánh tét lá mật cật (bánh không gói theo kiểu lá chuối truyền thống mà được gói bằng lá mật cật, theo hình tam giác cân),
-          Nấm tràm Phú Quốc (loại nấm này có nhiều ở Phú Quốc, có thể làm món gà luộc súp nấm hoặc chọn cá rựa, cá nhồng lấy thịt làm chả cá viên nấu với nấm thì ngon phải biết] Hồ tiêu Phú Quốc nổi tiếng vì vỏ mẩy, hạt chắc, cay và thơm nồng. Đừng bỏ qua bất kỳ món đặc sản nào trong danh sách này nhé, đáng để thử lắm ;)
6.      Một số quán ăn
+ Quán ăn Lê Giang - 289 Trần Hưng Đạo, Dương Đông, Phú Quốc
Quán có bán điểm tâm sáng với món hủ tiếu tôm mực, bánh canh ghẹ, vào buổi trưa quán phục vụ cơm với nhiều món hấp dẫn.
+ Biên Hải Quán - Gành Dầu - Phú Quốc, xã Gành Dầu
Quán phục vụ khá nhiều món hải sản tươi sống, nếu bạn có ghé qua thì hãy thử những món chế biến tại chỗ như mực - cá mú đỏ và những món đặc sản Phú Quốc.
+ Nhà hàng Vườn Táo - Ấp Cửa Lấp , xã Dương Tơ, Phú Quốc
Đã đến Phú Quốc là không thể bỏ qua món gỏi cá trích và nếu bạn không thưởng thức món ăn đặc sản này tại nhà hàng Vườn Táo thì coi như chuyến đi Phú Quốc của bạn chỉ được 1 nửa.
+ Quán Anh Vũ - 77 Nguyễn Trung Trực, khu phố 4, Dương Đông, Phú Quốc
Chuyên phục vụ các món ăn đặc sản Phú Quốc và các món điểm tâm sáng như: hủ tiếu tôm mực, bánh canh hải sản
+ Quán ăn Quốc Anh - Đường 30/4 Phú Quốc, gần khách sạn Thăng Long
+ Nhà hàng Zen - Đường 30/4 thị trấn Dương Đông
+ Nhà hàng Sáng Tươi - Tổ 3, KP1, đường 30/4, Dương Đông
7.      Những thông tin cần thiết khi đi du lịch Phú Quốc
- Chuẩn bị một bản đồ du lịch Phú Quốc, có thể mua ở nhà sách hoặc tại sân bay, khách sạn.
- Kiểm tra thông tin về thời tiết trước khi đi.
- Một số vật dụng không thể thiếu: vật dụng cá nhân, kem chống nắng, đồ bơi, giày dép dễ đi, tiện lợi.
- Không nên tắm biển vào lúc giữa trưa, tránh ngâm mình quá lâu dưới nước.
- Tour câu mực, câu cá không thích hợp cho những bạn có tiền sử say tàu xe nhiều.
- Các sản phẩm ngọc trai lúc mua nên kiểm tra kỹ chất lượng sản phẩm tránh bị nhầm lẫn.
- Nếu thuê xe máy nên kiểm tra xăng vì có ít cây xăng trên đường đi, mang theo số điện thoại khách sạn trong trường hợp xe hư, cần giúp đỡ.
- Chỉ nên đi đến những khu vực đã khai thác cho tham quan, không đi vào những khu vực rừng cấm hoặc các địa điểm chưa khai thác.
*Lưu ý: một vài địa chỉ luôn phải có trong sổ tay du lịch của bạn:
Bệnh viện đa khoa huyện Phú Quốc:
KP2, TT Dương Đông, Phú Quốc
Điện thoại: 077.3846074
Công an huyện Phú Quốc
Điện thoại: 077.3846051
 Khoảng 3 hoặc 4 ngày ở Phú Quốc cũng đủ cho bạn yêu thích hòn đảo này rồi. Nhưng thường những ai đến Phú Quốc lần một thì đều đến lần hai vào những mùa khác....

Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

HÀ GIANG - CAO NGUYÊN CHUYỂN SẮC HỒNG

Chỉ mới 1-2 tháng trước, khi đến với Hà Giang, bạn sẽ choáng ngợp với màu vàng ươm của lúa chín trên các thửa ruộng bậc thang. Tuy nhiên, ngay sau khi những thửa ruộng bậc thang bước vào thu hoạch thì cũng là lúc màu vàng ấy được thay thế bằng sắc hồng của những cánh đồng hoa tam giác mạch.
Hoa tam giác mạch là loại hoa đặc trưng của các tỉnh vùng núi phía bắc như Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang. Tuy nhiên ở Hà Giang, hoa tam giác mạch được trông nhiều và đẹp nhất. Hoa nở rộ và có màu đẹp nhất vào độ cuối thu khoảng tháng 10 tháng 11 hàng năm.
Loài hoa sở hữu vẻ đẹp miên man hoang dại
Tam giác mạch là loại kiều mạch thân cỏ được bà con vùng cao gieo trồng trên các vách núi và thung lũng, một năm hai vụ, vào khoảng tháng 4 và tháng 10. Tuy không có năng suất cao nhưng là cây trồng truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên rẻo cao phía bắc. Hạt tam giác mạch được dùng làm bánh, nấu rượu, ngày nay chủ yếu tam giác mạch được dùng để chăn nuôi gia súc, ngoài ra còn dùng làm vị thuốc trong đông y.
Tam giác mạch là cây thuộc họ nhà lúa, được nảy lên từ mày lúa, mày ngô, nên gọi là mạch. Cánh hoa chụm lại thành hình chóp nón, có ba mặt tam giác giữ ở giữa là một hạt mạch quý. Thế là cái tên “tam giác mạch” ra đời. Hoa tam giác mạch mỏng manh nhưng lại sở hữu vẻ đẹp miên man hoang dại, là nguồn cảm hứng bất tận của giới nhiếp ảnh.
Hoa tam giác mạch có vòng đời khoảng một tháng, mới đầu hoa nở có màu trắng, sau chuyển sang phớt hồng, ánh tím và cuối cùng là đỏ sậm. 
Vùng đất cao nguyên cằn cỗi, toàn sỏi trơ trọi và đá tai mèo dựng đứng lại có thể mọc lên loài hoa thảo dịu dàng đến thế. Hoa tam giác mạch có khi bạt ngàn như một cánh đồng, khi mọc chênh vênh thành những nương hoa, khi lại lấp mình trong kẽ đá, đôi lúc thẹn thùng e ấp bên những căn nhà trình tường mộc mạc, đơn sơ.
Cùng với sự thay đổi của tiết trời, vẻ đẹp của hoa tam giác mạch cũng biến đổi không ngừng nghỉ. Trong lớp sương thu thoắt ẩn, thoắt hiện, những cánh hoa tam giác mạch khi tỏ khi mờ, bồng bềnh như cổ tích. Những lúc sương tan, cả cánh đồng hoa bừng lên sắc hồng thơ mộng. Thế là đủ để khiến biết bao người vượt hàng trăm cây số chỉ để đắm mình trong không gian mờ ảo sương giăng, và đã mắt với màu hồng say đắm.
Hành trình khám phá vẻ đẹp hoa tam giác mạch
Hà Giang nổi tiếng nhất với quá nhiều địa danh được “đóng đinh” trên bản đồ tam giác mạch bởi vẻ đẹp sinh động và ấn tượng của cảnh quan như: Hoàng Su Phì, Xín Mần, Phó Bảng, Phố Cáo, Sủng Là, Đồng Văn, Lũng Cú, Ma Lé…
-Thời gian: Với điều kiện giao thông khá tốt hiện nay, hai ngày ba đêm cuối tuần là có thể thu xếp một hành trình ngắm hoa khá ổn.
Chú ý kiểm tra thông tin thời điểm tam giác mạch nở rộ để có được một chuyến đi đủ đầy về màu sắc. Thông thường hoa sẽ nở rộ vào cuối tháng 10, đầu tháng 11, tùy thời điểm gieo trồng của bà con trước đó.
Ngoài việc khám phá cảnh quan mùa tam giác mạch rực rỡ sắc màu, bạn cũng có thêm nhiều cơ hội tìm hiểu cuộc sống người dân bản địa mỗi vùng đất bạn đi qua.
-Lưu ý:
Máy ảnh: Là vật dụng không thể thiếu nếu bạn đến với những cánh đồng tam giác mạch. Đây là công cụ hữu hiệu nhất để lưu lại hình ảnh, vẻ đẹp của cuộc sống trên rẻo cao.
Nếu bạn là con gái: Đừng quên mang khăn váy nhiều màu sắc để có được những bức hình thú vị mang về chia sẻ với bạn bè.
Chú ý không giẫm lên hoa hay làm đổ, gãy nát các cây tam giác mạch, tận hưởng thành quả của bà con và không làm ảnh hưởng đến cây trồng của bà con.
Những cánh đồng hoa tam giác mạch: là địa điểm chụp ảnh cưới lý tưởng, tuyệt vời cho nhiều cặp uyên ương.

BÌNH DI VÀ THÂN QUEN ĐẶC SẢN BÁNH CUỐN



Việt Nam là quốc gia lấy nên nông nghiệp làm gốc nên  từ Bắc tới Nam đất nước đâu đâu cũng có những đặc sản từ lúa gạo, tiêu biểu phải kể đến các loại bún phở, bánh cuốn, bánh tráng… Trong đó có một món ăn có cách chế biến rất độc đáo nhưng lại đơn giản và hương vị thì rất đặc sắc, đó là bánh cuốn. Hãy cùng Vietwind travel tìm hiểu về món đặc sản bình dị mà thân quen này.
Bánh cuốn-Món ăn bình di từ lúa gạo
Bánh cuốn là loại bánh làm từ bột gạo hấp tráng mỏng, để ăn khi còn ướt, bên trong cuốn nhân. Bánh cuốn thường ăn với một loại nước chấm pha nhạt từ nước mắm và nếu là bánh cuốn truyền thống thì không thể thiếu tinh dầu cà cuống pha trong nước chấm khi ăn thường kèm thêm chả lụa.
Nguyên liệu làm bánh rất đơn giản , bột bánh là gạo ngon, xay mịn, hòa với nước. Còn nhân bánh có thể là thịt vai nửa nạc nửa mỡ hoặc  tôm, băm cùng mộc nhĩ, nấm hương đã xào chín với các gia vị như mắm, hạt tiêu…Bánh sau khi được cuốn sẽ rắc thêm hành khô phi thơm và ăn với nước chấm.
Cách làm món bánh này cũng không quá phức tạp: Múc lưng muôi bột, giàn đều trên khuôn vải được căng trên nồi nước, đậy nắp vung lại. Đợi khi mở nắp vung ra, mặt bánh phồng lên tức là bánh đã chín. Sau lấy que tre xọc ngang, nguyên một tờ gạo mong manh được nhấc ra. Xoa một lớp nhân bánh rồi gấp lại…Quá trình tưởng chừng đơn giản nhưng khi làm cũng phải thật chú ý về thời gian để nhấc bánh ra, quá trình nhấc ra cũng phải thật khéo để lớp bảnh mỏng như vậy không vị rách…
Muốn ăn bánh cuốn nóng có thể bạn phải chờ người bán cuốn từng chiếc một, tuy nhiên chờ đợi và xem cuốn từng chiếc bánh cũng rất thu hút, giống như đang xem một nghệ nhân biểu diễn vậy. Và chờ đợi như vậy, khi thưởng thức, dường như món bánh ngon hơn rất nhiều.
Một số quán bánh cuốn ngon tại Hà Nội
-Bánh cuốn Thanh Vân ở 14 Hàng Gà: Cửa hàng tồn tại cách đây hàng chục năm, đây là địa chỉ quen với dân Hà thành và nơi "nhất định phải đến" của khách du lịch.
Điểm hút khách chính của quán chính là chất lượng bánh, mỏng, mềm, nhân cũng rất ngon. Nhà hàng có món bánh cuốn nhân gà, thịt gà được cắt nhỏ xíu lẫn với mộc nhĩ. Hành khô của hàng cũng tự làm nên ăn giòn, không bị khô, ỉu
-Bánh cuốn nóng 101 Bà Triệu: Khác với quán ở Hàng Gà, ở đây có rất nhiều loại bánh với nhiều kiểu nhân như như nhân thịt, trứng, tôm thịt nấm với đủ đồ ăn kèm như lạp xưởng, chả mực, ruốc...
Loại bánh được yêu thích nhất ở đây là bánh cuốn tôm thịt nấm. Cách tráng bánh có nhân như vậy từng được Thạch Lam miêu tả trong cuốn sách Hà Nội ba mươi sáu phố phường. Giờ ở Hà Nội, không còn nhiều hàng dùng loại nhân này nữa. Bên trong lá bánh mỏng kiểu Thanh Trì là nhân thịt, nấm hương, mộc nhĩ, tôm nõn bóc vỏ. Khách quen cũng đặc biệt thích hành khô ở đây thế nên chẳng có gì lạ khi nhà hàng cũng bán riêng bát hành khô khi khách yêu cầu.
Bánh cuốn bà Hoành ở Tô Hiến Thành: Không tráng bánh mỏng như hai hàng trên, không có nhân, không mộc nhĩ và dày hơn. Nước chấm có cầu kỳ hơn một chút khi cho sẵn chả quế và hành khô vào. Nhà hàng cũng chẳng có lựa chọn gì khác nhưng sự đơn giản ấy vẫn kéo khách tới ăn nườm nượp, kể cả khi không phải giờ ăn. Trước đây nhà hàng bán trên vỉa hè nhưng thường chuẩn bị những cái mẹt nhỏ xinh xắn, cho bánh, chả, nước chấm đặt trên lá chuối xanh mướt, trông rất đẹp mắt. Giờ quán mở rộng, đặt bàn ghế đẹp đẽ nên cũng chẳng còn cái nếp trình bày như xưa nữa.
Nguồn: Vietwind Travel

SAPA VÙNG ĐẤT ĐẶC SẮC VĂN HÓA LỄ HỘI CÁC DÂN TỘC

Nằm ở phía Tây Bắc của tổ quốc - Sapa là điểm du lịch thu hút các du khách không chỉ trong nước mà còn cả du khách nước ngoài.  Bên cạnh cảnh sắc thiên nhiên, Sapa còn hấp dẫn bới sự đa dạng các sắc màu văn hóa. Hãy cùng Vietwind travel khám phá một số lễ hội đặc sắc của vùng đất khiêm nhường, lặng lẽ nhưng ẩn chứa bao điều kỳ diệu này.
Lễ hội Xuống đồng Sa Pa - Lào Cai
Lễ hội xuống đồng đầu xuân của đồng bào dân tộc Tày, Dao xã Bản Hồ- Sa Pa (Lào Cai) khai hội sáng ngày mồng 8 Tết ( ngày 2/2) đã thu hút rất đông nhân dân địa phương và du khách thập phương, có rất nhiều khách du lịch nước ngoài đã đến dự vui và khám phá nét văn hoá đặc sắc của đồng bào vùng núi cao phía bắc.
Phần lễ được bắt đầu từ tục rước đất, rước nước. Đoàn rước bao giờ cũng đi từ rất sớm khi trời còn chưa rõ mặt người. Trong đoàn gồm có: thầy cúng, đội trống, đội khèn, hai đôi nam nữ chưa vợ chưa chồng khiêng kiệu rước. Kiệu rước được trang trí sặc sỡ nhiều mầu theo biểu tượng âm dương ngũ hành. Đi đầu đoàn rước là thầy cúng, người được dân bản giao trách nhiệm là sứ giả để giao tiếp với thần linh, trên tay thầy cầm cây nêu biểu tượng của sự sinh sôi, nảy nở. Đi sau là kiệu rước nước, nước được đựng trong hai ống bương to một ống bố và một ống mẹ. Tiếp đến là kiệu rước đất, đất thiêng được lấy từ trên núi cao gọi là đất mẹ.
Sau đó là các mâm lễ để dâng các vị thần linh. Khi đoàn rước về đến địa điểm làm lễ, thầy cúng thực hiện nghi lề cúng: Thầy khấn và phun nước làm phép để xua đuổi ma quỉ, xua đuổi điều không may, rồi thầy tung lộc (là các hạt giống) của thần linh cho dân bản.
Phần hội được bắt đầu bằng các điệu múa và các tiết mục văn nghệ dân gian đặc sắc của người Tày, người Dao. Nhưng nổi bật nhất, vui nhất, nhiều người tham gia nhất là những màn xoè. Khi các màn xoè kết thúc mọi người lại đổ tới khu chơi trò chơi. Các trò chơi ở đây đa số là trò chơi dân gian. Tiêu biểu là trò chơi ném còn, đẩy gậy, kéo co, đánh quay, đánh bóng, bịt mắt bắt dê, leo cột mỡ...
Hội xuống đồng Bản Hồ- Sa Pa tiếp thêm sinh lực mới cho người dân trong sản xuất và xây dựng, gìn giữ bản sắc văn hoá.
Lễ Tết nhảy
Tết nhảy là lễ hội quan trọng và được chuẩn bị khá công phu của người Dao ở Tả Van. Trước Tết, nam thanh niên ôn luyện các điệu nhảy múa. Các thiếu nữ lo nhuộm chàm, thêu áo mới.
Tết nhảy diễn ra từ cuối giờ Thìn đến giờ Dậu với tổng hợp các loại hình nghệ thuật dân gian. Đó là nghệ thuật múa nhảy đan xen với nghệ thuật âm nhạc. Đó là nghệ thuật ngôn từ kể về sự tích dòng họ, công lao tổ tiên. Đó là nghệ thuật tạo hình với các loại tranh thờ, tranh cắt giấy, điêu khắc tượng gỗ... sinh hoạt tết của người Dao đỏ Tả Van giầu bản sắc, độc đáo nhưng đều thấm đậm tính nhân văn.
Hội Roóng poọc của người Giáy
Hàng năm vào ngày Thìn tháng Giêng âm lịch người Giáy ở Tả Van (huyện SaPa) lại mở hội Roóng Poọc để cầu mùa màng bội thu, người yên vật thịnh, mưa thuận, gió hoà.
Địa điểm mở hội là một khu ruộng tương đối bằng phẳng phía đầu bản. Trung tâm hội dựng cây còn cao vút bằng cây mai có một vòng tròn trên ngọn. Vòng tròn đó một mặt dán giấy đỏ tượng trưng cho mặt trời, một mặt dán giấy vàng tượng trưng cho mặt trăng. Mâm cúng của thầy mo gồm các lễ vật tượng trưng cho sự no ấm như : vải, trứng, măng, bạc trắng và 6 qủa còn của các cô gái chưa chồng.
Mở đâu lễ hội là cúng thần linh cầu cho người yên, vật thịnh. Khi lễ cúng kết thúc là dàn nhạc trống, chiêng điệu kèn pí lè tấu lên thông báo các chò chơi mang tính nghi lễ tượng trưng bắt đầu.
Mở đầu là chò chơi ném còn. Những người cao tuổi (nam một bên, nữ một bên) lấy 6 quả còn cùng ném tượng trưng 3 lần khai mạc, rồi sau đó mọi người vào cuộc chơi. Những quả còn tua xanh đỏ vun vút lao len phông còn.tiếng xuýt xoa hò reo cổ vũ rền vang. Phông còn bị ném thủng là báo hiệu cho một năm mùa màng tươi tốt.
Cùng với ném còn là chơi kéo co cũng bắt đầu bằng hình thức kéo nghi lễ. Tốp nam đứng phía đông cầm phần gốc dây song (dây kéo co).Tốp nữ đứng phía tây cầm phần ngọn. Hồi trống kèn nổi nên thùc giục. Bên nam(đằng đông tượng trưng cho dương, mặt trời) luôn kéo thắng. Bên nữ (tượng trưng cho âm) giả vờ thua. Và như vậy, năm đó cả làng sẽ được mùa. Phần nghi lễ kết thúc, đông đảo nam nữ thanh niên cùng ùa vào chia phe thi kéo, kể cả du khách cũng có thể tham gia.
Lễ quét làng của người Xá Phó.
Hàng năm, người Xá Phó thường tổ chức lễ quét làng vào ngày ngọ, ngày mùi hoặc ngày con người (à thá cũng) vào tháng hai âm lịch với mục đích để năm mới mọi người được bình yên, hoa màu tươi tốt, súc vật nuôi không bị ốm chết.
Khi đi, mọi người mang theo một bát gạo, một con gà, tiền, hai nén hương và một chai rượu. Những ai mang chó, lợn, dê đến góp thì dân làng có trách nhiệm tới làm trả công cho người đó trong một ngày. Tới ngày đã định, tất cả đàn ông trong làng mang tất cả lễ vật ra một bãi trống đầu làng.Theo sự phân công, những người đàn ông khoẻ mạnh nhanh nhẹn cùng nhau mổ lợn, gà, dê, chó. Các thầy cúng tay cầm kiếm gỗ, một cành lá đao, mặt bôi nhọ chia nhau vào từng thôn làm lễ quét nhà cho cả làng. Vào nhà dân, thầy cúng rót một chén rượu đặt vào bàn thờ của gia đình, lầm rầm đọc tên tuổi tất cả những người trong nhà đó. Đọc xong, thầy cúng dùng kiếm gỗ múa khắp nơi trong nhà, gia đình cử một người đi sau dùng ngô (ngô để cả bắp nướng sau đó rẽ hạt) tung qua đầu thầy cúng.
Sapa còn có rất nhiều lễ hội hấp dẫn khác, mỗi lễ hội đặc trưng cho nét văn hóa của từng dân tộc thiểu số, lạ và vô cùng thú vị. Với nét đẹp tự nhiên hoang sơ vốn có và sự góp mặt của nhiều dân tộc thiểu số, Sapa như một bức tranh đa sắc màu thu hút mọi người đến với nơi đây.
Nguồn: Vietwind travel